Ngày đầu xét xử 2 cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng và Lê Thanh Vân có gì đáng chú ý?

Sáng ngày 7/1, Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Bình đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 2 cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng và Lê Thanh Vân, cùng 3 bị cáo khác, với các tội danh “Cưỡng đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.

Theo giới quan sát, tình hình an ninh tại phiên tòa được thắt chặt, lực lượng chức năng lập hàng rào barie, và kiểm tra an ninh nghiêm ngặt. Đồng thời do tính “nhạy cảm” của phiên tòa, vì được công luận quan tâm theo dõi, khả năng phiên tòa sẽ diễn ra trong nhiều ngày.

Ông Lưu Bình Nhưỡng bị xét xử về 2 tội cưỡng đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Với mức hình phạt có thể lên đến 20 năm tù hoặc chung thân. Trong khi, cựu đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân bị đưa ra xét xử, với tội danh lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác, để trục lợi với khung hình phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân.

Theo cáo trạng, ông Lưu Bình Nhưỡng bị cho là lợi dụng chức vụ Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, gọi điện cho Phó Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình, để can thiệp tạo điều kiện cho giang hồ cưỡng đoạt tiền của doanh nghiệp. Cũng như, đã dùng tư cách Đại biểu Quốc hội để viết phiếu chuyển đơn cho doanh nghiệp, sau đó đã nhận số tiền 300 ngàn USD. Gia đình đã khắc phục hết số tiền trên.

Ông Lê Thanh Vân cũng bị cáo buộc là đã tham gia 2 vụ việc cùng với ông Lưu Bình Nhưỡng. Đáng chú ý, trong vụ ở Công ty Hạ Long, ông Vân bị cho là đã ký 4 văn bản để can thiệp và sau đó hưởng lợi 1 lô đất trị giá hơn 1,8 tỷ đồng, và hứa được hưởng lợi thêm 1.000 m2 đất trị giá 1,95 tỷ đồng ở dự án này.

Ngoài ra, ở vụ việc thứ 2, vào tháng 7/2023, ông Lê Thanh Vân đã can thiệp bằng cách gọi điện cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh để can thiệp cho Công ty Trường Sinh sớm được cấp phép khai thác Dự án đồi Bắc Sơn và hưởng lợi 60 triệu đồng.

Đáng chú ý, tại tòa, ông Lê Thanh Vân đề nghị tòa triệu tập nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, cùng một số lãnh đạo của tỉnh này và chủ các doanh nghiệp. Tuy nhiên, hội đồng xét xử quyết định vẫn tiếp tục phiên tòa, và cho biết sẽ triệu tập thêm nhân chứng nếu thấy cần thiết.

Việc bắt giữ 2 cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng và Lê Thanh Vân đã gây ra nhiều nghi vấn về động cơ thực sự đằng sau các cáo buộc này. Công luận cho rằng, do cả 2 ông đều nổi tiếng với những phát biểu thẳng thắn, chỉ trích các vấn đề tiêu cực trong hệ thống. Do đó, việc bắt giữ họ có thể là hành động trả thù, nhằm dập tắt tiếng nói phản biện.

Về nguyên cớ bắt giữ ông Lưu Bình Nhưỡng, công luận cho rằng có thể liên quan đến những chất vấn mạnh mẽ của ông đối với Bộ Công an vào năm 2018.

Theo giới quan sát, việc bắt giữ ông Lưu Bình Nhưỡng với tội danh “cưỡng đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” là điều thỏa đáng. Khi đã ông Nhưỡng đã khai nhận số tiền 300 ngàn USD, và gia đình đã khắc phục số tiền này.

Tuy nhiên, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng có thể là nạn nhân của một bộ máy nhà nước tham nhũng, nơi nhiều quan chức lợi dụng chức vụ để trục lợi cá nhân. Ngoài ra, trước khi bị bắt, ông Nhưỡng đã liên lạc với cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, để lên tiếng về vụ án tử tù Nguyễn Văn Chưởng, kêu gọi xem xét lại bản án. Điều này có thể đã ảnh hưởng đến sự nghiệp chính trị của Chánh án Nguyễn Hòa Bình, một đồng minh chính trị thân thiết của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Thời báo sẽ cập nhật thường xuyên các tin tức mới nhất về vụ án nhạy cảm này.

 

Trà My – Thoibao.de