Ngày 10/1, RFA Tiếng Việt có bài bình luận của Jacob: “Nghị định 168: Tác hại của việc cơ quan hành pháp soạn thảo luật”.
Theo đó, tác giả cho hay, trong các mô hình quản lý nhà nước hiện đại, nguyên tắc phân chia quyền lực luôn đóng vai trò trung tâm để bảo vệ quyền con người, quyền công dân và ngăn ngừa lạm dụng quyền lực.
Tuy nhiên, khi một cơ quan hành pháp như Bộ Công an được trao quyền soạn thảo, và ban hành các văn bản pháp luật, như Nghị định 168/2024/NĐ-CP (Nghị định 168), sẽ xuất hiện những vấn đề và rủi ro không thể dự đoán hết, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích lâu dài của xã hội.
Tác giả Jacob cũng cho hay, lo ngại này được đặt ra vì góc nhìn của công an thường nghiêng về việc duy trì trật tự và kiểm soát, thay vì tìm kiếm sự cân bằng, hài hòa giữa các nhóm quyền lợi khi ban hành các quy định pháp lý.
Khi cơ quan hành pháp như Bộ Công an tự thực thi luật vừa tự mình ban hành pháp luật, nguyên tắc phân quyền dễ bị xâm phạm, và quốc gia có thể bị tàn phá bằng những ý chí sai lầm.
Theo tác giả, điều này không chỉ làm mất đi tính khách quan, minh bạch trong quá trình ban hành pháp luật, mà còn tạo cơ hội cho công an lợi dụng quyền lực để thúc đẩy, cài cắm các lợi ích riêng biệt.
Một trong những tác động nguy hiểm của việc công an tham gia soạn thảo luật, là khả năng luật pháp sẽ trở thành công cụ để kiểm soát xã hội, thay vì bảo vệ quyền lợi của người dân.
Khi Bộ Công an đứng ra soạn thảo các quy định như Nghị định 168, những quy định đó có thể mang tính chất kiểm soát, răn đe và ưu tiên các mục tiêu an ninh, trật tự, thay vì cân nhắc đầy đủ đến các quyền tự do, và quyền lợi hợp pháp của công dân.
Vẫn theo tác giả, mặc dù các quy định này có thể được biện minh bằng các diễn ngôn về giảm thiểu tai nạn giao thông; nâng cao văn hoá ý thức cộng đồng, nhưng trên thực tế, chúng đã gián tiếp tạo ra tâm lý lo sợ, căng thẳng đối với người tham gia giao thông, và thậm chí đó còn là gánh nặng “khủng khiếp” đối với người điều khiển phương tiện, nếu vô tình vi phạm hành chính.
Từ thực tế cho thấy, khi thiếu vắng sự giám sát từ cơ quan lập pháp (Quốc hội), để Bộ Công an soạn thảo các văn bản pháp lý như Nghị định 168, xã hội đã chứng kiến các quy định dần trở nên khắt khe, nghiêm khắc không cân nhắc với tới lợi ích, nền tảng đạo đức xã hội của người dân, minh chứng cho lập luận này đó là các quy định của nghị định này đã thúc đẩy con người hành xử tới mức cực đoan, như nhiều người “cổ vũ” cho hành vi không nhường đường cho xe cứu thương, xe cứu hoả đi làm nhiệm vụ, hoặc một xu hướng khác cũng có khả năng trở nên cực đoan, vi phạm quyền tự do cá nhân, bí mật đời tư khi một bộ phận dân chúng bàn nhau cách “bẫy” hoặc “đi săn” người vi phạm giao thông để lĩnh thưởng.
Điều này không chỉ làm suy yếu tính chính danh của các quy định pháp lý, mà còn khiến người dân cảm thấy rằng luật pháp không còn là công cụ bảo vệ quyền lợi của họ, mà là công cụ để củng cố quyền lực của một nhóm quyền lực.
Kết quả là, niềm tin vào hệ thống pháp lý và chính quyền có thể bị suy giảm, kéo theo sự bất mãn và rạn nứt sâu sắc trong lòng xã hội.
Tác giả đưa ra kết luận, việc để cơ quan hành pháp tham gia soạn thảo và ban hành các quy định pháp luật, như Nghị định 168, làm suy yếu nguyên tắc phân quyền vốn dĩ đã mỏng manh ở Việt Nam, và tạo điều kiện cho sự lạm dụng quyền lực.
Khi luật pháp được soạn thảo và ban hành bởi một cơ quan không đại diện cho toàn bộ xã hội, mà chỉ phục vụ cho một nhóm quyền lực, tính chính danh và công bằng của luật pháp sẽ bị đặt dấu hỏi.
Minh Vũ – thoibao.de