“Bò dát vàng” của nhà vua và đời dân đen hơn đời chị Dậu!

Ngày 17/1, người dân phát hiện một vụ án mạng cực kỳ nghiêm trọng, xảy ra tại thôn Trung, xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Cụ thể, một bà cụ được phát hiện đã chết trên giường. Nhưng khi dọn dẹp phòng để tẩm liệm, người ta phát hiện thêm 3 thi thể nữa. Trong đó có vợ và 2 con của chủ nhà. Vụ án mạng này đã gây chấn động xã hội, vì sự man rợ của nó.

Hung thủ được cho là ông Vũ Văn Vương, 52 tuổi, đã bỏ trốn vào tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, sau đó bị bắt rồi di lý ra Hà Nội.

Điều đáng nói ở đây là nguyên nhân dẫn đến thảm cảnh này.

Ông Vũ Văn Vương khai trước cơ quan điều tra rằng, vì muốn giải thoát cho tất cả, vì nhà quá nghèo, nên đã ra tay sát hại cả gia đình. Đáng chú ý, cơ quan điều tra đã cho khám sức khỏe, xét nghiệm và thử máu, thì thấy, hung thủ âm tính với ma túy, nhưng có dấu hiệu trầm cảm, tâm lý bất thường.

Đây là bi kịch xã hội, rất đáng báo động, bởi hoàn cảnh của ông Vũ Văn Vương cũng là hoàn cảnh chung của nhiều gia đình Việt Nam hiện nay. Trong khi kinh tế suy thoái kéo dài, mà chính quyền còn tung thêm những chính sách “siết cổ” toàn dân, khiến người dân bị bần cùng hóa, tầng lớp thấp gần như không có lối thoát. Họ lại không dám phản kháng đòi quyền lợi, vì sợ bị chính quyền bức hại. Trong bối cảnh đó, những người tâm lý không vững thì rất dễ bị trầm cảm.

Trên thượng tầng, chính quyền vẫn tiếp tục cho ra những chính sách nhằm vét sạch túi dân, mà Nghị định 168 là ví dụ điển hình. Chỉ cần một lỗi vô ý thì người dân đã bị chính quyền cướp mất cả tháng lương. Nghề tài xế, lương 8 triệu, chỉ cần lỡ chạm vạch do không kịp phanh khi đèn đỏ, thì đã bay mất hơn 2 tháng lương. Người nghèo vốn đã túng quẫn, thì nay lại càng bế tắc hơn. Đến cả giới doanh nghiệp lúc này cũng bất lực, thì nói gì đến những người dân thấp cổ bé họng.

Ông Vũ Văn Vương là trường hợp hiếm, nếu xét về tội ác mà ông đã thực hiện. Nhưng nếu xét về hoàn cảnh, thì rất nhiều gia đình có cuộc sống tương tự ông.

Vào thời Pháp thuộc, nhà văn hiện thực xã hội Ngô Tất Tố đã viết tác phẩm Tắt Đèn, với nhân vật chính là chị Dậu, người được mô tả là nghèo đến mức không thể nghèo hơn.

Bị sưu thuế bủa vây, chị Dậu phải chạy vạy khắp nơi vay tiền, để nộp cho chồng, nhưng không kiếm đâu ra. Anh Dậu dù đang bị ốm, nhưng vẫn bị bọn cai lệ cùm kẹp, lôi ra giam ở đình làng. Quá bần cùng, chị Dậu buộc lòng phải bán đi cái Tí – đứa con gái đầu lòng 7 tuổi, ngoan ngoãn, hiếu thảo, và ổ chó mới đẻ chưa kịp mở mắt, cho vợ chồng Nghị Quế để lấy tiền nộp sưu.

Tuy nhiên, ngày nay, so với hoàn cảnh của ông Vũ Văn Vương, thì có vẻ, đời chị Dậu vẫn còn tươi sáng hơn, bởi dù túng quẫn, nhưng chị Dậu vẫn giữ được bản tính lương thiện, không ra tay độc ác với người thân.

Chính quyền Cộng sản luôn tuyên truyền rằng, chế độ Thực dân Pháp và phong kiến…, đều tàn ác. Nhưng trên thực tế, sự tàn ác của họ đều phải chào thua cái ác của Cộng sản. Đáng sợ hơn, Cộng sản đã tạo ra những con người độc ác, chỉ biết đến quyền lợi của riêng mình.

Trên thượng tầng, “vua” thì ăn thịt bò dát vàng giá ngàn Bảng, bên dưới thì quan chức tham ô nghìn tỷ, trăm tỷ. Dưới nữa thì công an tha hồ cướp bóc dân, thông qua những chính sách tinh vi.

Trên cứ siết, sợi dây thòng lọng ngày một thít lại, và số lượng người dân Việt Nam gia nhập vào thành phần gia đình như Vũ Văn Vương ngày một đông hơn. Với tình trạng cố chấp kiểu “dân sai vua không sai”, thì xem ra, người Việt không lối thoát.

Đã là Thế kỷ 21, vậy mà người dân Việt Nam vẫn bị Đảng Cộng sản đẩy xuống bùn đen, còn đen hơn cả đời chị Dậu cách đây 100 năm.

 

Thái Hà – Thoibao.de